Tôi lại đi cùng thằng Thục xuống chợ Kế Xuyên lượm nắp keng rồi qua tiệm tạp hóa nhà thằng Hợi mua bong bóng về thi nhau thổi xem đứa nào thổi được quả bóng to hơn. Hai đứa phồng mang thổi và giật bắn người một cách thích thú khi những quả bong bóng thi nhau nổ lốp bốp.
Thằng Thục còn xúi tôi lấy giấy vụn nhét vô quả bong bóng trước khi thổi, sau đó ngoẹo cổ ngắm những mẩu giấy bay lượn bên trong khi chúng tôi lúc lắc quả bóng trên tay.
Khi chỉ còn hai quả cuối cùng, tôi và nó ngậm nước trong miệng vừa thổi vừa nhè nước vô quả bóng rồi dùng quả bóng nước vừa rượt quanh hè vừa ném nhau.
Đến khi bong bóng đã nổ đến quả cuối cùng thì đôi môi hai đứa cũng đã kịp nhoe nhoét đủ thứ màu.
Nó lục túi tìm những đồng xu rồi rủ tôi lấy giấy trắng đè lên, sau đó lấy bút chì tô cho đến khi hoa văn của đồng xu in trọn vẹn lên tờ giấy. Hồi bé ở làng, tôi cũng rất thích thú với trò này nhưng bây giờ tôi bặm môi tô tới tô lui chỉ để cho thằng Thục vui lòng. Tay tôi miết đầu bút chì lên tờ giấy trong khi óc tôi mải nghĩ đến con Rùa, đến đôi mắt ầng ậng nước của nó khi nghe tin tôi sắp rời làng. Cả những câu nói thiết tha của nó nữa, mỗi lần nghĩ tới là lòng tôi mềm đi.
Bữa đó ăn trưa xong, tôi đòi lên nhà cô Út Huệ ngay nhưng thằng Thục xịu mặt:
– Anh bảo hôm nay anh ở chơi với em một ngày kia mà. Bây giờ mới có nửa ngày à.
Thế là tôi đành phải leo lên phản nằm với nó, rủ rỉ kể chuyện cho nó nghe, lặp lại hình ảnh ngày xưa giữa tôi với ba nó. Hồi đó, tôi rất mê những câu chuyện của chú Thảo. Chú không có nhiều chuyện nhưng chú có tài kể chuyện tuyệt hay. Sau này tôi ham đọc sách cũng nhờ những hạt giống chú Thảo cấy vào tâm hồn tôi trong những buổi trưa hai chú cháu nằm bên nhau nhiều năm về trước.
Kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thơ sống dậy khiến tôi nguôi nỗi nôn nao đi gặp con Rùa. Thoạt đầu tôi định kể cho thằng Thục nghe những câu chuyện ngày xưa chú Thảo từng kể cho tôi nhưng lần nào cũng thế, tôi vừa mở miệng Thục lại nói “Chuyện này ba em kể cho em nghe rồi.” Cuối cùng tôi phải đem những mẩu chuyện vừa kể cho con Rùa ra làm quà cho nó.
Nhưng Thục không phải là thằng nhóc ham nghe chuyện. Nó chỉ thích được nằm cạnh tôi. Tôi kể chưa dứt câu chuyện về cậu bé thành Padova, nó đã ngủ mất, một cánh tay quàng ngang ngực tôi.
Tôi nghiêng đầu ngắm gương mặt tươi tỉnh của nó. Ngay cả trong khi ngủ gương mặt nó cũng ướp đầy niềm vui.
Gương mặt đó đã neo chặt tôi xuống mặt gỗ mát lạnh dù đã mấy lần tôi gượm ngồi dậy. Trong gần một tiếng đồng hồ, tôi nằm thao thức bên cạnh Thục, lắng tai nghe tiếng chích chòe huýt sáo trên cành me trước ngõ và miên man nghĩ tới cho Rùa.
Nhưng tôi vừa đi tới đầu cầu treo đã nghe tiếng thằng Thục gọi rối rít từ phía sau:
– Chờ em với! Chờ em với!
Tôi ngoảnh lại, thấy nó đang cưỡi xe đạp phóng gần tới nơi, tóc dựng lên trong gió.
Tôi đành dừng chân bên cạnh dãy bìm bịp ven sông đợi nó.
– Mày thức dậy hồi nào vậy? – Tôi hỏi khi Thục đến gần.
Nó leo xuống khỏi xe, hổn hển:
– Anh đi lẹ ghê!
Thục không trả lời thẳng câu hỏi của tôi nhưng tôi đoán được có lẽ nó thức dậy sau tôi không lâu.
– Mày đi đâu đây? – Tôi nói tiếp, vẻ phật ý – Về đi, tối tao về ngủ với mày!
– Anh cho em đi theo với, lát tối em chở anh về!
Giọng thằng Thục nghe như năn nỉ khiến tôi không thể thẳng tay xua đuổi nó mặc dù lòng tôi đang rối như tơ. Có thằng em họ bám theo lằng nhằng thế này tôi không biết làm sao gặp riêng con Rùa để chia tay.
Như hiểu được sự khó xử của tôi, thằng Thục nói:
– Lát nữa anh cứ qua chia tay với con Rùa đi. Em ở nhà chơi với bé Loan!
Rất may là thằng Thục đi sau lưng tôi nên nó không thấy được vẻ mặt sượng sùng của thằng anh họ nó. Tôi nhè nhẹ thở ra và nói, cố giữ giọng thản nhiên:
– Ờ, tao chạy qua tạm biệt nó một câu cho lịch sự.
Tôi biết thằng Thục chẳng tin gì vẻ vờ vịt của tôi. Nhưng tôi dỏng tai cả buổi chẳng nghe nó châm chọc gì, có thể nó không muốn tôi xấu hổ trong ngày cuối cùng ở làng, cũng có thể nó đang dồn tâm trí vào việc giữ thăng bằng với chiếc xe đạp trên những mảnh ván lát cầu chòng chành dưới chân.
– Anh ngồi lên xe đi, em chở cho! – Thục đề nghị, khi hai anh em vừa qua khỏi cầu.
– Mày chở tao sao nổi. Để tao chở mày!
Thục bướng bỉnh:
– Trước nay toàn anh chở em. Hôm nay tới phiên em chở.
Cuộc tranh giành giữa hai anh em không biết sẽ kéo dài đến bao lâu nếu lúc đó thằng Thục không phát hiện một đám bốn, năm người đang xúm xít lố nhố phía trước, cạnh bụi cúc tần nơi hôm trước con Rùa lom khom hái lá me chua đất.
– Có người cãi lộn kìa anh!
Đám người này có lẽ đang gây gổ với nhau, tôi nghe thấy họ to tiếng mặc dù khoảng cách từ đây đến đó còn khá xa.
– Chạy đến xem chuyện gì thế mày?
Tôi giục thằng em, và lật đật ngồi lên yên sau, không buồn giành tay lái với nó nữa.
Tiếng quát tháo vọng tới mỗi lúc một gần và người đầu tiên tôi nhận ra là ông Bảy Thành.
Người tiếp theo hiện ra trong mắt tôi là con Rùa. Nó bị bốn người đàn ông vây quanh nên khi thằng Thục chạy tới thật gần tôi mới nhìn thấy nó.
Phát giác đó là trái tim tôi thắt lại.
– Mấy người nào vây con Rùa vậy mày?
Tôi thấp thỏm hỏi, và những cái tên nhảy ra từ miệng thằng Thục đúng như tôi phỏng đoán: đứng cạnh ông Bảy Thành là ông Hai Sắn, ông Bốn Lai và chú Ngãi.
Trừ chú Ngãi không có nét gì đặc biệt, ông Bốn Lai có cái bụng ngoại cỡ của Obelix. Bụng ông bự đến mức ông luôn giữ nó bằng hai tay như thể sợ nó bất thình lình rơi xuống đất. Cũng như Obelix, từ xa trông ông Bốn Lai như một quả dưa khổng lồ. Cái báng súng nhô lên trên vai ông chính là cái cuống dưa.
Ngược lại với ông Bốn Lai, ông Hai Sắn người nhỏ thó nhưng chiếc mũi lại to một cách khác thường, tóc túm trong chiếc khăn màu đỏ buộc ngang trán, bên hông dắt lủng lẳng một chiếc rìu. Nếu có thêm bộ ria vàng nữa, hoàn toàn có thể nhầm ông với nhân vật Asterix.
Trong khi tôi ngẩn ra nhìn ông “Panoramix” Bảy Thành, ông “Obelix” Bốn Lai và ông “Asterix” hai Sắn, lờ mờ hiểu ra tại sao ông ngoại con Rùa lại bảo truyện Asterix là chuyện kể về làng Đo Đo và con Rùa không hề nghi ngờ gì về điều đó thì thằng Thục thở hắt ra, lúc này nó đã chống chân xuống đất ngay bên cạnh đám người:
– Phen này con Rùa nguy to rồi! Chưa bao giờ em thấy bốn ông này cùng nhau đi kiếm con Rùa như bữa nay.
Những người thợ săn nhìn thấy tôi và thằng Thục dựng xe đứng xem nhưng họ chẳng buồn để ý. Cơn giận làm mặt người nào người nấy đỏ gay. Mặt trời ban trưa thả xuống từng bựng nắng càng khiến họ trông như đang bốc khói.
Ông Bảy Thành liếc về phía hai đứa chúng tôi một cái rồi quay sang con Rùa, giọng ầm ầm như tạc đạn:
– Mày còn chối nữa hả?
– Con nói thật mà.
Con Rùa lí nhí đáp, nó không nhìn về phía tôi và Thục nhưng tôi đoán nó đã thấy hai đứa tôi ngay từ đầu.
Ông Hai Sắn sờ tay lên cán rìu, nhếch mép:
– Ở đây không ai tin mày hết á. Đây đâu phải lần đầu hả Rùa!
Con Rùa có lẽ cũng biết không ai tin lời nó thật. Nó cứ ấp úng:
– Con… con…
Ông Bảy Thành giận dữ, chòm râu dày dưới cằm rung bần bật:
– Hôm trước mày làm ướt thuốc nhồi của tao, bây giờ mày phá hỏng bẫy của tao, của ông Bốn Lai và chú Ngãi… Mày có bị thần kinh không hả Rùa?
Ông Bốn Lai dộng báng súng kíp xuống đất, quai hàm bạnh ra:
– Hỏi tới hỏi lui gì nữa. Chắc chắn là nó rồi. Bây giờ phải làm gì với nó đây, mấy ông?
Chú Ngãi sấn tới một bước, chỉ tay vào mặt con Rùa, nóng nảy:
– Cãi nhau với con nhỏ này chỉ hao hơi tốn tiếng! Nó phá của tôi ba cái bẫy, bây giờ tôi phải bắt nó trói lại!
Chú Ngãi nói xong, lập tức thò tay tóm lấy tay con Rùa. Chú người thấp đậm, da đen, môi thâm, tóc quăn tít. Lúc hùng hổ trông chú như một con gấu bị đói lâu ngày, và con Rùa đang đối diện với chú giống như một thân cây non sắp sửa bị xé vỏ.
Con Rùa bước lui một bước để tránh cú chộp của người thợ săn. Bụng ngập tràn lo lắng, tôi hấp tấp lao xuống khỏi yên xe, tiến lại, chưa biết phải nói gì hay làm gì để giải vây cho con Rùa, thằng Thục đã kêu lên:
– Ê, ê, người lớn không được ăn hiếp con nít à nha!
Chú Ngãi phun nước bọt, không thèm nhìn thằng Thục:
– Nó là con nít nhưng là con nít hoang! Hừm, hèn gì người ta nói “con không cha như nhà không nóc”.
Ngay từ khi bắt gặp cánh thợ săn vây con Rùa, tôi biết họ đã phát giác những chuyện xảy ra trong rừng ngày hôm qua. Tôi cũng có chút áy náy về hành động của con Rùa, cả về sự đồng lõa của mình, nhưng cách nói miệt thị của chú Ngãi khiến tôi giận run người, nhất là tôi nhìn thấy vẻ mặt con Rùa như bợt đi trong nắng.
Tôi buột miệng:
– Chú là người lớn sao lại ăn nói hồ đồ thế!
– Mày nói ai ăn nói hồ đồ? – Chú Ngãi quay sang tôi, mắt trợn ngược, câu nói rít qua kẽ răng.
– Tôi nói chú đó. – Thằng Thục gầm gừ, khác hẳn vẻ hiền lành hằng ngày. Nó bật chống xe đánh tách rồi hùng dũng bước lại. – Nếu ba con Rùa không vì bắt cướp rồi trượt chân rơi xuống sông thì con Rùa đâu có mồ côi cha. Chú Hương chết cũng vì xóm làng, sao chú nói chuyện vô ơn quá vậy!
Bị hai đứa trẻ phê phán trước đám đông, mặt chú Ngãi phù ra như bị đánh thuốc độc. Chú xả một tràng như súng liên thanh bị cướp cò:
– Mày trẻ con biết gì! Ông Hương đi ăn trộm bị rượt ngã xuống sông, bọn tao vờ nói bắt cướp để con Rùa lớn lên khỏi mặc cảm. Ai ngờ càng lớn nó càng hư!
Câu nói của chú Ngãi như một thùng nước lạnh tạt vào mặt bọn tôi. Thục nghiến răng ken két:
– Chú đừng có bịa chuyện!
– Tao thèm vào bịa chuyện. – Chú Ngãi chỉ tay vào ông Bốn Lai – Nghe tin ông Bốn Lai kiếm được kỳ nam trong rừng, tối đó ông Hương chui vô trộm bị ông Bốn Lai phát giác. Ông Hương bỏ chạy, băng qua cầu treo thì trượt chân..
Tôi nghe các cơ bụng co giật liên hồi, bao tử đau thắt như có ai vò. Tôi liếc về phía con Rùa, thấy nó đang run bần bật, mặt héo đi từng phút một.
– Chú mày có im đi không! – Ông Bốn Lai quát chú Ngãi.
– Tôi không im. – Chú Ngãi quát lại ông Bốn Lai, trông chú như đã không còn lý trí – Sự thật thế nào tôi nói thế nấy. Mấy ông không nói thì tôi nói.
– Sự thật cái con khỉ! – Ông Hai Sắn giật tung chiếc khăn đỏ trên đầu, giận dữ – Mày bịa chuyện tao đập mày nghe Ngãi!
– Ông đập tôi đi! – Mắt chú Ngãi vằn đỏ, miệng chú bắt đầu sùi bọt – Mấy ông biết thừa là tôi không bịa mà!
Chú Ngãi thách thức ông Hai Sắn. Nhưng người giáng cho chú một báng súng là ông Bảy Thành.
Cú đánh của ông Bảy Thành mạnh đến mức chú Ngãi ngã chúi xuống cỏ.
– Mày còn nói xấu ba con Rùa, tao đánh mày chết luôn.
Chú Ngãi lóp ngóp bò dậy, hậm hực quét mắt qua đám đông một lượt rồi không nói không rằng, chú cắm đầu bỏ đi một mạch.
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Ngồi khóc trên cây |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Nguyễn Nhật Ánh, Truyện teen |
Tình trạng | Chưa xác định |
Ngày cập nhật | 03/08/2016 05:56 (GMT+7) |