Bà không nói gì, quay lại bỏ đôi quang thúng vào một góc rồi lặng lẽ đi vào trong nhà. Tư ngồi xuống bực thềm thở dài, bởi đã nhiều lần Tư đã góp ý với bà cụ là đừng đi bán rau nữa, nhưng chỉ vài hôm sau đâu lại vào đấy. Góp ý không được Tư chuyển sang xin, xin bà bà vẫn không nghe, đến lần này thì Tư đã phải lớn tiếng đối với bà, mà chung quy lại thì cũng chỉ muốn tốt cho bà mà thôi.
Bà năm nay cũng vừa tròn bảy mươi tuổi, người ta hay gọi bà là bà Tỉnh Dậu, bởi hồi trước bà còn hay đi xa buôn gà con, về già bà không đi xa được nữa mới chuyển đi bán rau. Dáng bà nhỏ nhưng bước đi vẫn còn nhanh nhẹn lắm, mất mỗi một cái là về già bà đâm ra khó tính, thi thoảng lại dỗi như trẻ con mỗi khi không vừa ý. Sau khi bị thằng con trai cả cấm đoán không cho đi bán rau nữa thế là bà dỗi cả ngày không chịu ăn cơm, đến tối Tư vừa đi làm về thì nghe vợ với các con nói thế anh sốt ruột lắm. Bữa cơm tối vừa dọn ra, như người có lỗi Tư đi vào trong buồng mời bà ra ăn cơm. Trong buồng tối om, cái điện bà cũng chẳng thèm bật, nhưng nghe thấy tiếng Tư đi vào, lại như các lần trước được thể bà lại làm mình làm mẩy quay mặt vào tường mà dỗi, làm Tư có mời kiểu gì bà cũng nhất quyết chẳng chịu ra ăn cơm, Tư đành đi ra. Cô vợ Tư thì khéo hơn, thấy vậy xới cơm vào một cái bát thêm cả thức ăn đầy đủ rồi sai thằng con trai bê vào để trên cái bàn cạnh giường, để lúc nào đói bà ăn.
Tư sốt ruột thi thoảng lại đi qua cánh cửa buồng đến cái tủ quần áo, giả vờ để lấy cái này cái kia, sợ bà ngại… nhưng mục đích chính là liếc mắt vào xem bà đã ăn chưa.
Qua chín giờ tối bát cơm vẫn nằm nguyên trên bàn vẫn chưa có động tĩnh gì, Tư tỏ ra lo lắng. Còn bà Tỉnh sau khi nhịn cả ngày cũng thấy đói, mấy lần nhấp nhổm dậy định ra ăn, nhưng cứ thấy thi thoảng Tư lại lượn lờ qua, bà lại giả vờ nằm xuống. Cô vợ Tư thấy thế mới kéo tư ra một góc nói:
– Anh cứ lượn lờ như thế bà làm sao dám ăn cơm!
Tư thấy vợ nói vậy lại ra ghế ngồi im không nói gì, lát sau Tư mới sai thằng con trai ra ngó đầu vào xem thế nào, thằng con trai vào nhòm rồi vui mừng chạy ra báo tin là bà đang ngồi ăn cơm. Tư mừng rỡ, rón rén ra cánh cửa buồng xem thế nào, vừa thò mặt nhòm vào thì bắt gặp ánh mắt của bà Tỉnh nhòm ra, làm cả hai đều giật cả mình.
Có lần hai vợ chồng nhà Tư đang tranh nhau cái Tivi để xem các chương trình mình yêu thích, Tư thì thích xem bóng đá, còn vợ Tư thì nhất quyết đòi xem phim ” Cô dâu tám tuổi”. Cũng như mọi lần vợ Tư thắng, trong gia đình nhà Tư âm đang thịnh và dương thì đang suy. Tư ngồi ghế lầm bầm: ” Phim phò gì mà chiếu mấy năm đéo hết, tám tuổi gì nghìn tuổi thì có, thà bật cải lương cho bà xem còn hay hơn”. Bà Tỉnh đang ngồi ghế, nghe thấy hai chữ cải lương phát liền ra cầm điều khiển bật hết kênh này kênh kia, còn phải nói là Tư đang cười thầm trong bụng, còn vợ Tư cũng chẳng dám hé răng nửa lời, sợ bà dỗi thì mệt lắm…
Bà Tỉnh còn có cái thói quen ăn trầu rồi nhổ ra cái bực thềm trước nhà, đỏ choét cả cái lối đi, vợ Tư nhiều lần phải dội nước cũng bực lắm, nhưng nói bà hôm trước hôm sau bà lại nhổ, mãi cũng thành quen. Lần khác bà Tỉnh không tìm thấy cái bình vôi đâu bà chửi um nhà lên, mà chửi con dâu bà bà cứ ra trước mặt Tư mà chửi, nào là: ” Vợ mày ghét tao không cho tao ăn trầu nên vứt cái bình vôi của tao đi”. Rồi thì: ” Nó dội có mấy gáo nước thôi mà nó cũng lầm bầm nói tao không ra gì, nhà tao tao thích nhổ nước trầu ở đâu thì tao nhổ “… Vợ Tư ức lắm không nói được gì chạy vào trong giường úp mặt vào gối khóc tu tu. Vài hôm sau bà vừa mua cái bình vôi mới thì vợ Tư tìm thấy cái bình vôi cũ trong gầm giường, vợ Tư thấy thế đem ra cho bà nói:
– Bình vôi của bà bà để lấp sau cái túi đỗ nhỏ trong gầm giường đây này, thế mà bà mắng con mấy hôm trời!
Bà Tỉnh thấy thế hơi ngại nhưng cũng chỉ trả lời cụt ngủn:
– Ờ tao quên.
Cũng may vợ Tư cũng là người chịu đựng giỏi, biết nghĩ, chứ nếu phải mấy con mụ bán thịt bán cá thì lành làm gáo vỡ làm muôi, không phải nó chả bật tanh tách rồi chứ chả…
Mấy hôm sau như đâu lại vào đấy. Bà Tỉnh vừa gánh đôi quang thúng lên vai thì nhìn thấy Tư đã đứng ngay đằng sau. Bà nói:
– Hôm qua u chót đặt cọc ít tiền mua rau của người ta rồi… mày để u đi bán mấy hôm nữa cho xong rồi u hứa u không đi bán nữa!
Tư nhất quyết không cho bà đi, bởi không ít lần bà cũng nói với Tư như thế rồi, bà có giận dỗi gì thì Tư cũng chịu. Giờ già rồi buôn mấy mớ rau lãi lờ được bao nhiêu mà thức khuya dậy sớm, gánh gánh gồng gồng nhỡ cái xe cộ nó va nó quệt cho cái thì khổ, Tư lo lắng và luôn nghĩ những trường hợp xấu nhất xảy ra đối với bà, kể từ hôm đó tư khóa cổng lại, dặn vợ con là bao giờ đi làm mới được đưa chìa khóa cho bà, và Tư nhất nhất giữ quan điểm của mình. Chả phải nói hôm đó bà Tỉnh lại tiếp tục nhịn ăn tiếp. Tư đi làm về thấy vậy cũng chẳng chịu ăn cơm vào đầu giường bà ngồi nhịn đói cùng cho đến khi bà chịu ăn thì mới thôi. Thế là bà Tỉnh phải chịu: “Ờ thì cá chuối đắm đuối vì con”. Tư ngồi bên xúc cơm cho bà ăn, bà vừa ăn bà vừa phụng phịu khóc lóc nói thế.
Hôm sau Tư bị tai nạn ngã gãy tay phải bó bột phải xin công ty ở nhà một thời gian. Cả ngày Tư cứ hết ra lại vào, buồn thối ruột, mà nhất là lúc vợ đi làm, con thì đi học. Bà Tỉnh thì thì cũng hết ra hiên ngồi rồi lại vào giường nằm, thi thoảng bà mới bật Tivi xem, bởi không phải lúc nào cũng có chương trình bà yêu thích. Hai cái bóng cứ quanh quẩn ra chạm mặt nhau một cái, vào chạm mặt nhau một cái mà cả ngày chẳng nói với nhau câu nào. Một ngày trôi qua, hai ngày trôi qua, rồi một tuần trôi qua… Tư bắt đầu thấy mình thật vô dụng, Tư chán cái cảnh ăn không ngồi rồi cả ngày mà chẳng làm được cái việc gì ra hồn, bất giác Tư nhìn bà Tỉnh, bà ngồi yên lặng lẽ, đôi mắt như vô hồn nhìn về phía xa xôi, bà đang buồn hay đang nghĩ ngợi một điều gì chẳng rõ. Từ hôm ở nhà bà ít nói hẳn đi, thi thoảng nhớ chợ bà lại đi bộ ra ngồi nói chuyện với mấy bà buôn bán cùng chốc lát lại đi bộ về, nhưng những điều đó cũng chẳng thể nào lấp đầy những nỗi trống vắng ở trong lòng bà. Tư giật mình nghĩ về mình bây giờ và nghĩ về mình sau này…
Sáng hôm sau trời trở gió mùa, tư vừa tỉnh giấc thì nghe thấy tiếng của chùm chìa khóa va vào nhau, bà Tỉnh đã lấy chùm chìa khóa để trong cái túi áo khoác của Tư để mở cổng, thấy vậy Tư tỉnh dậy cầm thêm chiếc áo và đi ra ngoài, bà Tỉnh đang gánh đôi quang thúng trên vai đi ra phía cổng thì nghe thấy tiếng của Tư đằng sau, bà giật mình ngoảnh lại ấp úng nói:
– U…
Chưa để bà nói hết câu Tư đã nói:
– Bà mặc thêm cái áo cho đỡ lạnh rồi hẵng đi!
Bà Tỉnh hạ đôi quang thúng xuống đất, mắt bà rưng rưng khi Tư khoác tấm áo vào vai bà, bà Tỉnh không thể hiểu hành động của Tư vừa rồi, nhưng bà cảm thấy xúc động, bà cố kìm giọt nước mắt cho Tư khỏi nhìn thấy rồi quẩy đôi quang thúng lên và đi… Tư thương bà, nhưng Tư cũng chẳng thể làm gì hơn ngoài sự quan tâm với bà khi có thể, kể từ đây Tư cũng phải chấp nhận và bỏ ngoài tai lời đồn thổi của thiên hạ về gia đình mình, bởi người ta chẳng bao giờ chịu đứng ở vị trí người khác để thấu hiểu… Hạnh phúc ư, nó đâu phải là sự ngồi không như mọi người vẫn nghĩ, bởi có những thói quen theo thời gian nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi con người, một hôm nào đó con người ta cảm thấy vô cùng hụt hẫng vì thiếu vắng… Tư nghĩ như thế, Tư không chắc là mình sẽ đúng nhưng Tư cảm thấy nhẹ lòng hơn…
Gió đang thổi xô nhau trên những ngọn cây bóng bà tỉnh vừa khuất vào con đường làng vẫn còn xâm xẩm tối.
…
Khoảng thời gian tiếp xúc ấy nó thú vị và trôi nhanh lắm. Những khúc mắc, thắc mắc của mình đều được giải thích một cách cặn kẽ và thỏa đáng. Những phân tích, nhận định với góc nhìn chân thực và sắc nét làm cho các vấn đề được tường minh và đơn giản dễ hiểu đi nhiều. Nhất là các sự kiện lịch sử những nhận định về chính trị, quân sự. Đan xen vào là phong cách sống chứ không phải là cách tồn tại. Vậy mà.
Người chú họ hay đọc sách hiểu biết rộng hay đàm đạo với tôi đã ra đi vì căn bệnh ung thư dạ dày. Một người chú, một người bạn vong niên có sự uyên thâm về nhiều lĩnh vực đã đi xa rồi. Thoáng cái đã mười mấy năm.
Ngày tang ông tôi viết một bài điếu viếng ông thay một lời chào tiễn biệt.
Nhớ ông xưa!
Thích uống trà mộc, đàm đạo văn chương…
Triết lý nhân sinh, cao đàm khoát luận.
Cũng đã dọc một thời, cũng đã ngang một thủa…
Cũng đã từng Nam – Bắc xông pha.
Giữ chữ tâm nhàn ông lui về dạy học.
Dạy con khuyên cháu sống cho đúng đạo.
Răn mình, giữ nếp phong thái nho gia.
Nay!
Trọng bệnh nan y Nam tào đánh rơi giọt mực…
Chốn hồng trần ông khăn gói đi ngay.
Bạn bè ông ngác ngác, ngơ ngơ tìm bóng bạn hiền nay vắng bặt.
Đồng môn hớt hải: Ơ kìa sao cậu vội ra đi?
Thôi về với tổ tiên hội ngộ anh em ông đúng hẹn.
Trần gian bỏ lại nỗi niềm ông hiểu chỉ mình ông.
Hùng tâm sinh kế thôi đành vậy.
Thanh nhàn, hiếu thuận gói mang đi.
Công việc bận rộn tôi không thể đưa ông ra nơi an nghỉ cuối cùng nhưng thực sự tôi thấy buồn khi mất người chú như ông. Người có thể cùng tôi nói chuyện cả ngày về các nhân vật trong Đông Chu, Tam quốc, Hán Sở tranh hùng. Thủy Hử. Người có thể cùng tôi phân tích những quan điểm chính trị nhận định về các nhân vật nổi tiếng. Ông thất thế không gặp thời lại không quen luồn cúi nên, lui về sống một cách khá biệt lập với cuộc sống bên ngoài. Ông là cán bộ tăng cường về giáo dục cho miền nam sau bảy lăm. Đã làm đến phó trưởng ty giáo dục một tỉnh. Nhưng thời thế thế thời. Cục bộ địa phương và vây cánh đã đẩy ông về quê. Thế là tôi có bạn thân. Rảnh rỗi là tôi vào chơi với ông đọc sách ở nhà ông. Nhà ông nhiều sách và ông giữ cẩn thận lắm. Mấy đứa con gái nhà chú cũng là những đứa mà tôi quý mến và chơi với nhau từ bé. Ông mất đi cũng để lại một khoảng trống khó lấp đầy hệ thống dòng tộc khi có việc. Sau khi bố tôi mất ông là người có ảnh hưởng lớn trong họ. Mỗi khi họ có việc hay làm việc lớn như tu bổ nhà thờ hay tổ chức giỗ tổ.
Đời người thế đấy dài lắm mà ngắn lắm. Qua những cái chết của họ hàng mới thấy cần sống sao cho hợp lý không lãng phí thời gian. Phải cố gắng khi còn có thể. Ngày thơ ấu sau khi bố tôi mất chỉ có ông là người đồng cảm với sở thích của tôi.
Nêu xét một cách tổng quan thì ông cũng có yếu điểm. Là người có cái nhìn cay độc về thế sự nhưng thật ra với tầm hiểu biết như ông, ông nên hiểu đó chính là cuộc sống và thật ra những chuyện đó ở thời nào cũng có mình phải sống chung với lũ thôi. Cũng chính vì cách nhìn tiêu cực đó nên ông tự làm khổ mình. Ông sống gần như tự giam mình có khi hàng tháng trời không ra đến ngõ. Đám tang ông bạn ông là ông Trai có bài thơ viếng ông. Tôi không để nhớ lắm nên chỉ lõm bõm vài câu…
Giật mình ngoảnh lại Mại ơi…
Mấy chục năm ấy đầy vơi bụi trần.
Đại khái là như thế.
Nói chung ông là người uyên thâm đọc rộng hiểu nhiều nên từng câu từng chữ nói ra đều có ý tứ sâu xa. Vì cuộc sống không được như ý lại không có con trai ông đẻ bốn cô con gái nên ông hay có vẻ cay độc với cuộc sống. Ông hay tự đắm mình vào thế giới của những nhân vật trong văn học Trung Hoa ông đọc Xuân Thu đọc thơ Đường hiểu biết rất nhiều về văn học Trung Quốc. Có cái lạ là ông không có tham gia trò giải trí nào từ cờ tướng cho đến tổ tôm, chắn cạ mọi người chơi đến nhà ông chơi thì ông rất thoải mái nhiệt tình nhưng không tham gia chỉ uống nước rồi đàm luận chuyện thế sự. Âu cũng là một nét cá tính của con người. Có thời gian cả tháng ông không ra đến ngõ chỉ quanh quẩn ở nhà xem ti – vi.
Nhưng khách khứa đến nhà ông thì nhiều. Coi ông như quân sư của dòng họ. Tôi nghe được nhiều chuyện. Có được khả năng diễn đạt một phần cũng được hình thành từ những buổi pha trà điếu đóm ở nhà ông. Bây giờ thỉnh thoảng về quê tôi vẫn vào nhà ông chơi. Nhà ông đã được xây lại khá khang trang và sạch đẹp tiếc là ông mất hơi sớm. Căn bệnh ung thư dạ dày thật là quái ác. Ra với cuộc đời, bôn ba lăn lộn tôi cũng có cơ duyên được gặp nhiều người nhưng trong tôi vẫn luôn ghi nhớ ông là chú, là bạn vong niên là tri kỷ của tôi một thời thơ dại.
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Mùi vị quê hương |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Tâm sự bạn đọc, Truyện teen |
Tình trạng | Chưa xác định |
Ngày cập nhật | 17/11/2020 11:39 (GMT+7) |